Khám phá bảo tàng văn hóa dân gian Hội An có gì hấp dẫn?
Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An là một nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về truyền thống và văn hoá đặc sắc tại phố Hội. Hành trình khám phá bảo tàng, daivietourist.vn sẽ đưa bạn ngược dòng tìm hiểu về các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống, sinh hoạt dân gian của Hội An.

Bảo tàng văn hoá là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về truyền thống và văn hoá đặc sắc tại phố Hội.
Giới thiệu chung về bảo tàng văn hoá dân gian Hội An
Du lịch phố cổ Hội An, bạn sẽ cảm nhận được lịch sử, văn hóa thông quá nhà cổ, đèn lông và các hoạt động văn hoá dân gian. Tuy nhiên, con đường ngắn nhất để tìm hiểu trọn vẹn giá trị cổ xưa là tham quan bảo tàng Hội An.
Địa chỉ của bảo tàng văn hoá dân gian Hội An
Bảo tàng toạ lạc ở vị trí 2 mặt tiền phố tại: 33 Nguyễn Thái Học và 62 Bạch Đằng, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Bảo tàng nằm ngay bên trong phố cổ, thuận tiện để bạn dễ dàng tới tham quan.
Bảo tàng văn hoá dân gian Hội An được biết đến là một trong những bảo tàng chuyên đề đặc sắc ở Hội An.
Nơi đây thể hiện được các gia trị thuộc văn hoá phi vật thể, giới thiệu về bề dày truyền thống văn hóa và những đóng góp của thế hệ cư dân địa phương trong quá trình phát triển Hội An.
Nét đặc sắc của bảo tàng văn hoá Hội An
Bảo tàng văn hoá dân gian Hội An được đưa vào hoạt động từ ngày 24/3/2005. Đây là ngôi nhà cổ điển hình trong đô thị cổ, dài 57m, ngang 9m với 2 tầng, sàn bằng gỗ.
Với diện tích khoảng 369m2, bảo tàng trưng bày 483 hiện vật với 4 chủ đề chính là: Nghệ thuật tạo hình dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân gian, làng nghề truyền thống và sinh hoạt dân gian.
Ngoài ra, tầng 1 của bảo tàng còn có hoạt động trình diễn, trưng bày giới thiệu 1 số sản phẩm như: hàng tơ tằm, đèn lồng, dệt chiếu, tranh giấy dó…
Bên cạnh đó, bảo tàng văn hoá dân gian Hội An còn lưu giữ hơn 346 hiện vật ở kho. Bao gồm các bộ trang phục của người Việt, người Hoa, sưu tầm các công cụ, dụng cụ và sản phẩm của làng nghề truyền thống Hội An.
Những hiện vật này có đa dạng về chủng loại, chất liệu. Đây là nguồn tư liệu quý giá cho công tác nghiên cứu, trưng bày luân chuyển hiện vật ở bảo tàng.
Giờ mở cửa bảo tàng
Bảo tàng văn hoá dân gian Hội An mở cửa trong khung giờ từ 7h sáng đến 21h30. Do đó, du khách có thể đến bất kỳ thời điểm nào trong giờ hoạt động của bảo tàng để tham quan.
Lưu ý là ngày 20 hàng tháng, bảo tàng sẽ đóng cửa định kỳ để kiểm tra chuyên môn.
Giá vé tham quan bảo tàng
Để có thể vào tham quan bảo tàng dân gian Hội An, du khách sẽ cần mua vé vào cổng. Giá vé tham quan bảo tàng văn hóa dân gian Hội An sẽ kết hợp tham quan thêm 2 địa điểm trong số 21 địa điểm có tính phí.
- Giá vé dành cho người Việt: 80.000đ/người.
- Giá vé dành cho người nước ngoài: 150.000đ/người.
>> Tham khảo: Nhà cổ Quân Thắng Hội An – Khám phá nhà cổ có lịch sử 150 năm
Thời điểm nào đi bảo tàng văn hoá dân gian Hội An đẹp?
Bảo tàng dân gian Hội An nằm ngay trong phố cổ. Bạn có thể ghé đến tham quan vào nhiều thời điểm kháng nhau nhưng lý tưởng nhất vẫn là mùa khô (từ tháng 3 – tháng 8).
Theo kinh nghiệm du lịch Hội An, đây là khoảng thời gian đẹp nhất để trải nghiệm và khám phá. Dưới ánh nắng dịu nhẹ, bầu trời quang đãng, không có mưa thì việc đi lại, check in ở bảo tàng văn hoá dân gian Hội An cực kỳ thuận lợi.
Những tháng sau đó thì Hội An bước vào mùa mưa nên bạn có thể xem xét trước thời tiết thật kỹ.
Hướng dẫn đường đi đến bảo tàng văn hoá dân gian Hội An
Để có thể đến bảo tàng văn hoá dân gian một cách nhanh chóng, thuận lợi. Bạn cần tìm hiểu kỹ về lộ trình đường đi, phương tiện phù hợp. Cụ thể:
Đường đi từ Đà Nẵng – Hội An
Bảo tàng văn hoá dân gian Hội An nằm ở phố cổ, do đó du khách từ Đà Nẵng sẽ cần đi tới phố cổ sau đó mới tới được bảo tàng. Có rất nhiều tuyến đường từ Đà Nẵng đến Hội An, trong đó, bạn có thể tham khảo lộ trình:
- Từ biển Mỹ Khê – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa – Lạc Long Quân – Hai Bà Trưng – Lý Thái Tổ – phố cổ.
- Từ trung tâm thành phố – Lê Văn Hiến – Trần Đại Nghĩa – Nguyễn Tất Thành – Hội An.
Với hai lộ trình này nếu bạn muốn đến bảo tàng văn hóa dân gian Hội An, bạn có thể chọn đi xe máy, xe ô tô, xe buýt hay taxi đều được. Hoặc có thể chọn tour Hội An để tiết kiệm chi phí.
Đường đi từ phố cổ – bảo tàng
Từ phố cổ bạn có thể lựa chọn đến bảo tàng văn hoá dân gian Hội An bằng xe đạp với giá thuê từ 30.000đ – 50.000đ/ngày. Nếu muốn ngồi yên thư thả ngắm phố thì bạn có thể đi xích lô với giá khoảng 150.000đ/tiếng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đi bảo tàng bằng xe máy. Tuy nhiên, chỉ đi được vào tầm buổi sáng còn sau 15h xe máy sẽ không được phép di chuyển vào phố cổ.
>> Xem thêm: Giới thiệu về hội quán Quảng Đông Hội An có gì đặc biệt?
Review chi tiết bên trong bảo tàng văn hoá dân gian Hội An có gì?
Bảo tàng văn hoá dân gian là nơi trưng bày hàng trăm hiện vật với 4 chủ đề khác nhau. Đặt chân đến đây, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều điều thú vị, hấp dẫn.
Nghệ thuật tạo hình dân gian
Nghệ thuật này được thể hiện qua các tác phẩm chạm trổ, điêu khắc trên gỗ, các tượng thờ và tượng trang trí bằng đồng. Các phù điêu bằng sành sứ, các loại tranh thuỷ mặc, các hợp chất gỗ – đất nung, các hoành phi, liễn đối khảm cẩn xà cừ…
Các tác phẩm này được lưu giữ tại bảo tàng văn hoá dân gian Hội An bài trí gọn gàng, góp phần minh chứng cho sự tinh tế, tài hoa của các nghệ nhân dân gian ở lĩnh vực tạo hình.
Nghệ thuật diễn xướng dân gian
Tham quan bảo tàng văn hoá dân gian Hội An, bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng những loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo. Trong đó phải kể đến như:
- Múa thiên cẩu: Một loại múa linh vật được lưu truyền ở Hội An từ lâu đời. Múa thiên cẩu thường xuất hiện trong dịp tết Trung thu và về sau trở thành lối múa dân gian đặc trưng ở Hội An, có bài bản và kỹ thuật riêng mang ý nghĩa cầu phúc, trừ tà, cầu trăng sáng cho mùa màng bội thu.
- Hát bả trạo: Một loại hình diễn xướng cũng có mặt ở Hội An từ lâu đời, được tổ chức thường xuyên vào các dịp lễ tế cá Ông, lễ cầu ngư hàng năm. Đây là lối hát có cầm mái chèo, diễn tả động tác bơi ghe bơi thuyền… cầu mong sự bình an, mùa bội thu hải sản.
- Bài chòi: Đây là một trò chơi dân gian phổ biến ở Hội An và một số địa phương miền Trung. Bộ bài chòi được làm từ bộ bài tới, dán lên thẻ tre hay gỗ. Mỗi con bài là lời hát riêng được người Hiệu trình diễn bài bản, vui nhộn, sinh động.
Làng nghề truyền thống
Hội An có rất nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc và vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Để có thể tìm hiểu tổng quan về những làng nghề này, bạn có thể đến bảo tàng văn hoá dân gian Hội An.
Nơi đây hội tụ đầy đủ các làng nghề truyền thống xuất hiện từ xa xưa. Bạn có thể chiêm ngưỡng các sản phẩm độc đáo được trưng bày cũng như trải nghiệm cách làm và sử dụng các sản phẩm thủ công.
Một số làng nghề truyền thống nổi bật trong khu bảo tàng văn hoá dân gian Hội An như: nghề đánh bắt sông nước Hội An, nghề buôn Hội An, nghề nông, nghề y cổ truyền, nghề mộc Kim Bồng, gốm Nam Diêu – Thanh Hà, nghề may.
Sinh hoạt dân gian truyền thống
Các hoạt động dân gian luôn được đề cao, thể hiện nét văn hoá và chia sẻ các giá trị tinh thần, thúc đẩy sự gắn kết. Tham quan bảo tàng văn hoá dân gian Hội An, bạn sẽ thấy được một số hoạt động sinh hoạt dân gian truyền thống, bao gồm:
- Mặc các trang phục truyền thống ở Hội An thể hiện nét đẹp về văn hoá, lối sống của cư dân.
- Tham gia vào các tục lệ cưới hỏi như ở rễ, xem tuổi, xem ngày, tránh mặt… trải nghiệm những nét truyền thống riêng của từng địa phương thông qua nhiều hoạt động thú vị.
Ngoài ra, bảo tàng văn hoá dân gian Hội An còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hoá, trình diễn âm nhạc, múa rối… rất hấp dẫn. Đây là cơ hội giới thiệu văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam đến khách du lịch trong và ngoài nước.
>> Đọc thêm: Nhà cổ Phùng Hưng – Tìm về vẻ đẹp cổ đậm chất Á Đông
Du lịch bảo tàng văn hoá dân gian Hội An và những trải nghiệm thú vị
Là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hoá truyền thống, bảo tàng đưa du khách đến với rất nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn. Du lịch Hội An, bạn đừng bỏ qua các hoạt động sau:
Tham quan các làng nghề truyền thống
Bên trong bảo tàng văn hoá dân gian Hội An tái hiện lại rất nhiều ngành nghề truyền thống độc đáo của phố Hội như: nghề khắc gỗ, đúc đồng, nghề nông, dệt thổ cẩm, làm gốm…
Tại bảo tàng văn hóa dân gian Hội An, bạn sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt các tác phẩm nghệ thuật, các công cụ sản xuất. Đồng thời sẽ được tham gia thực hiện một số công đoạn dưới sự chỉ dẫn của các nghệ nhân.
Tìm hiểu về văn hoá và các hoạt động truyền thống
Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An là nơi trưng bày, lưu giữ nhiều di sản văn hoá dân gian đa dạng. Đặt chân đến đây, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về văn hoá qua các thời kỳ lịch sử.
Bên cạnh đó, bảo tàng văn hoá dân gian Hội An cũng đưa du khách trải nghiệm các hoạt động truyền thống thông qua các buổi diễn xướng, lễ hội âm nhạc, triển lãm nghệ thuật…
Trải nghiệm hoạt động giáo dục, vui chơi bổ ích
Không chỉ là môi trường để du khách tìm hiểu về lịch sử, văn hoá, con người của Hội An. Bảo tàng văn hoá dân gian Hội An còn là nơi tái hiện lại những trò chơi dân gian cho trẻ em và người lớn.
Bạn có thể trải nghiệm thêm: bài chòi, nhảy dân gian, ca trù hay múa rối nước…
>> Tìm hiểu thêm: Chùa Bà Mụ Hội An – Điểm check in cho tín đồ “sống ảo”
Kinh nghiệm tham quan bảo tàng văn hóa dân gian Hội An
Hành trình du lịch bảo tàng lịch sử văn hoá Hội An mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị, ý nghĩa. Hãy lưu lại một số lưu ý quan trọng đây để chuyến đi thêm trọn vẹn:
- Tham quan bảo tàng, không được mang các loại thức ăn, đồ uống vào bên trong nhằm giữ gìn khuôn viên được sạch sẽ.
- Đến bảo tàng văn hoá dân gian Hội An du khách không được sờ vào các hiện vật.
- Lựa chọn những trang phục lịch sự, nghiêm chỉnh khi tham quan nhằm tôn trọng không gian tôn nghiêm của bảo tàng.
- Nhiều địa điểm trong bảo tàng văn hoá dân gian Hội An không được phép chụp ảnh nên tuân thủ các quy định và chỉ chụp ở nơi được phép.
- Bạn nên tìm hiểu kỹ về thời gian đóng, mở bảo tàng, giá vé tham quan để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Trên đây là những thông tin chi tiết về bảo tàng văn hoá dân gian Hội An. Một địa điểm thú vị phản ánh những hình ảnh, văn hoá, lịch sử, cuộc sống của người dân địa phương. Hi vọng rằng, chuyến tham quan bảo tàng sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc về các giá trị văn hoá của Hội An và của dân tộc Việt Nam.
Hằng Min – daivietourist.vn